Hội nghị trực tuyến sơ kết 01 năm triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Tham dự và chủ trì tại điểm
cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Vương Trinh Quốc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền
thông, cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa
phương đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg
và bước đầu đạt được những kết quả nhất định, góp phần giảm đáng kể chi phí
gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà
nước, thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy
tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử, giúp nâng cao năng suất
lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt
động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt
hơn; giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử
lý văn bản, hồ sơ, công việc để có chỉ
đạo kịp thời.
Quang
cảnh Hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 01 năm triển khai thực
hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, tình hình gửi, nhận văn bản điện tử trên
Trục liên thông văn bản quốc gia đạt 95/95 đơn vị (100%) các bộ, ngành, địa
phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản
điện tử ở 02 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó có
60 đơn vị kết nối thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp
tỉnh (LGSP), 35 đơn vị kết nối trực tiếp phần mềm QLVB&ĐH với Trục liên
thông văn bản quốc gia. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đang triển khai kết
nối tới Văn phòng Quốc hội phục vụ gửi, nhận tài liệu, thông tin phục vụ các cuộc
họp Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; triển khai thử nghiệm kết nối tới
các doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quyết định số
28/2018/QĐ-TTg.
Hiện có 64 bộ, ngành, địa phương phát sinh gửi, nhận văn
bản điện tử 03 cấp chính quyền gồm: cấp Vụ, Cục, sở, ngành, quận huyện, trong
đó có 1200 sở, ngành, quận huyện đã kết nối thông qua LGSP gửi, nhận văn bản
điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia; Có 10 đơn vị thuộc Bộ Thông tin
và Truyền thông và tỉnh Lào Cai đã phát sinh gửi, nhận văn bản điện tử cấp 4
chính quyền trên Trục liên thông văn bản quốc gia (Các đơn vị sử dụng phần mềm
QLVB&ĐH dùng chung kết nối đến cấp phường, xã).
Tính từ ngày 12/03 đến ngày 30/9/2019, có tổng số 163.107
văn bản gửi và 488.165 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Trong đó có 116.630 văn bản gửi, 343.547 văn bản nhận của cấp bộ, ngành, tỉnh,
thành phố; 44.889 văn bản gửi, 143.697 văn bản nhận của cấp Cục, Vụ, sở, ngành,
quận huyện; 1588 văn bản gửi, 921 văn bản nhận của cấp phường, xã. Hiện có 63/95
cơ quan đã nâng cấp phần mềm QLVB&ĐH theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ,
đang chạy chính thức; 28 cơ quan đang triển khai nâng cấp; 4 cơ quan chưa có kế
hoạch cụ thể nâng cấp phần mềm (Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước
tại doanh nghiệp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt
Nam).
Về công tác đảm bảo an toàn, an ninh
cho hệ thống trục liên thông quốc gia, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các
bộ, ngành, địa phương triển khai 87 máy chủ bảo mật dùng chung và dùng riêng có
tích hợp chứng thư số chuyên dùng Chính phủ phục vụ mã hóa, xác thực các gói
tin liên thông văn bản giữa các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của
các bộ, ngành, địa phương với Trục liên thông văn bản quốc gia. Công tác tập
huấn nâng cao kỹ năng bảo vệ các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc
của các bộ, ngành, địa phương cũng được tăng cường.
Về triển khai chữ ký số chuyên dùng
trong gửi, nhận văn bản điện tử, đã cung cấp trên 220.000 chứng thư số cho 95
đầu mối (bao gồm VPTW Đảng, 31 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 địa phương) và 351
chứng thư số cho lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh; có 84/95 bộ, ngành, địa phương đã
tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào hệ thống quản lý văn bản và điều
hành, đạt 88% ; 11/95 đơn vị chưa tích hợp, chiếm 12%.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu
đã trao đổi nêu lên một số khó khăn, vuớng mắc trong quá trình triển khai thực
hiện như: Vấn đề về hành lang pháp lý cho việc lưu trữ hồ sơ điện tử; việc gửi,
nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia; việc triển khai chữ
ký số chuyên dùng tại các bộ, ngành, địa phương…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai
Đối với tỉnh Lào Cai, đã triển khai Hệ thống quản lý văn
bản và điều hành của tỉnh từ năm 2016 đến nay (theo hình thức thuê dịch vụ) và
được kết nối, liên thông ở cả 3 cấp chính quyền: Tỉnh, huyện, xã; Đặc biệt một
số đơn vị sử dụng chuyển văn bản đi trên hệ thống đến Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng
Tổ dân phố (huyện Sa Pa) để kịp thời triển khai các văn bản của cơ quan Nhà
nước, tuyên truyền pháp luật... Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ
ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch
và các văn bản liên quan để chỉ đạo các cơ quan, địa phương trong tỉnh triển
khai thực hiện. Trên cơ sở thực hiện thành công thử nghiệm kết nối, liên thông
phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với Trục liên thông văn bản quốc
gia, từ ngày 20/5/2019, UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan chuyên môn, địa phương
trực thuộc tỉnh chính thức phát hành văn bản điện tử có ký số khi gửi đến tất
cả các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước. Thực hiện nâng cấp, hoàn thiện hệ
thống QLVBĐH tỉnh theo đúng hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Kết quả đạt được đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa
phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện ký số văn bản và đã phát sinh gửi,
nhận văn bản điện tử 04 cấp chính quyền; tỷ lệ sử dụng ngày càng tăng để dần
tiến tới thay thế cho văn bản giấy. Hàng tháng có trên 81.000 văn bản điện tử
gửi, nhận liên thông, trong đó có trên 1.000 văn bản điện tử được gửi, nhận
liên thông thông qua Trục liên thông văn bản Quốc gia, trên 80.000 văn bản được
gửi, nhận liên thông trên Trục liên thông văn bản của tỉnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao sự cố gắng nỗ
lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Quyết định số
28/2018/QĐ-TTg của Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Để tiếp tục triển khai hiệu quả,
đáp ứng lộ trình đề ra tại Quyết định số28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,
hướng tới mục tiêu 100% cơ quan hành chính nhà nước tham gia vào quá trình gửi,
nhận văn bản điện tử và đổi mới phương thức làm việc từ giải quyết công việc
theo phương thức truyền thống, dựa trên giấy tờ sang giải quyết văn bản, công
việc trên môi trường điện tử, trong thời gian tới đề nghị các Bộ, Ngành địa
phương cần sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tiếp nhận, xử lý, phát
hành và quản lý văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg,
bảo đảm căn cứ pháp lý, thống nhất trong triển khai từ Trung ương đến địa
phương và trong nội bộ các đơn vị, hoàn thành trước thời điểm 30/6/2020 liên
thông 04 cấp hành chính theo Quyết định số 28/2018/QĐTTg.
Bộ trưởng yêu cầu các bộ, ngành, địa
phương cần rà soát, đề xuất nhu cầu cấp phát chữ ký số cá nhân, tổ chức về Ban
Cơ yếu Chính phủ trong năm 2019 để bảo đảm 100% cơ quan hành chính nhà nước và
cán bộ, công chức Lãnh đạo cấp Cục, Vụ, Sở và tương đương trở lên được cấp chữ
ký số; ứng dụng ký số trên thiết bị di động để thuận tiện cho Lãnh đạo trong
giải quyết, xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; tuân thủ
các quy định về thời gian gửi, nhận văn bản, cập nhật đầy đủ nội dung thông
tin, bảo đảm đúng thể thức văn bản phát hành, gửi văn bản điện tử đúng thẩm
quyền, văn bản phải có chữ ký số và đầy đủ thông tin xác thực chữ ký số, đầy đủ
nội dung đính kèm, không gửi nhiều lần cùng 01 văn bản.
Đối với các đơn vị chưa thực hiện nâng
cấp phần mềm QLVB&ĐH cần khẩn trương hoàn thành việc nâng cấp trong năm
2019, đáp ứng nghiệp vụ tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, đồng thời phải có
chức năng tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ, chức năng
kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số đối với văn bản nhận và văn bản phát hành
theo quy định tại Thông tư số 41/2017/TTBTTTT ngày 19 tháng 12 năm 2017 của Bộ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Các bộ, ngành, địa phương sử dụng nhiều
phần mềm QLVB&ĐH, sớm tổ chức liên thông các phần mềm QLVB&ĐH trong nội
bộ đơn vị để bảo đảm tiến độ liên thông văn bản 04 cấp chính quyền trước ngày
30 tháng 6 năm 2020; thường xuyên giám sát, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp
độ hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông cho phần mềm
QLVB&ĐH.
Thảo Châu