Bàn giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực
Chiều ngày 30/8, tại Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức Phiên họp chuyên đề lần thứ 2, kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu trong cả nước, với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì Phiên họp tại điểm cầu Trung ương.

anh tin bai

Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai

Tham dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; thành viên Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh.

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 03 - 04 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Phiên họp nghe cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày báo cáo về những chuyên đề như: Thực trạng tình hình phát triển kinh tế số và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số; thảo luận về giải pháp phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực…

Phiên họp đã dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thúc đẩy kinh tế số thời gian qua, đồng thời nêu một số nội dung, giải pháp như: Không gian phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực, trong đó, có thể xác định 5 nhóm kinh tế số ngành, lĩnh vực quan trọng nhất cần tập trung được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, đó là: Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; logistics và dệt may. Kinh tế số là vấn đề mới và do vậy, cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy, trong đó cần dùng chung dữ liệu, vì chỉ có dữ liệu tập trung mới hình thành dữ liệu lớn, để tối ưu hóa hoạt động và phát triển các mô hình kinh doanh mới. Đồng thời, đề xuất cách tiếp cận hợp tác giữa 04 bên, để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, gồm: Bộ chủ quản xây dựng tính năng, đặt hàng doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển nền tảng; Bộ Thông tin và Truyền thông; doanh nghiệp và địa phương.

anh tin bai

Cùng với đó, thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương (đặc biệt là 11 tỉnh, thành phố như Tuyên Quang, Điện Biên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau) bằng các biện pháp chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi thuê bao sử dụng công nghệ cũ 2G/3G sang smartphone (hỗ trợ chi phí máy smartphone; ban hành các gói cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi, các cơ chế hỗ trợ thanh toán cho thuê bao khi chuyển đổi...).

Về thể chế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cùng với Bộ chủ quản ngành, lĩnh vực xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số, giám sát góp phần đảm bảo kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh. Bên cạnh đó, cần xây dựng công cụ đo lường, giám sát, quản trị để thúc đẩy kinh tế số; Mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một Trung tâm dữ liệu lớn vùng và một Trung tâm chuyển đổi số vùng, tập trung các doanh nghiệp số, phát triển, thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số, bồi dưỡng nguồn nhân lực số của vùng; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi số để tiếp tục lan toả đến các địa phương trong vùng.

anh tin bai

Các đại biểu dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai

Tại tỉnh Lào Cai, việc phát triển kinh tế số đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, tính đến thời điểm hiện tại đã hỗ trợ doanh nghiệp tạo 61 gian hàng, với 239 sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu trên sàn TMĐT tỉnh Lào Cai; Cung cấp các thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách, thông tin về các hoạt động xúc tiến thương mại của Sở Công Thương; 100% sản phẩm OCOP và 100% hợp tác xã, hộ kinh doanh sản phẩm OCOP đã được tạo gian hàng và tài khoản thanh toán điện tử. Năm 2023, số lượng sản phẩm OCOP toàn tỉnh sau khi công bố là 163 sản phẩm, tỷ lệ số sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn TMĐT tính đến thời điểm này đạt 155/163 sản phẩm, đạt tỷ lệ 95,09%; số lượng gian hàng được tạo lập trên các sàn TMĐT là 127 gian hàng. 100% hệ thống cửa hàng xăng dầu đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt thông qua mã QR Code hoặc Banking bằng thiết bị di động; 100% doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu đã ứng dụng chữ kí số, hóa đơn điện tử và thực hiện khai báo thủ tục xuất, nhập khẩu; Khách hàng sử dụng dịch vụ cung cấp điện qua môi trường mạng (web/email/app/zalo...) đạt 57,26%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 76,29%, trong đó, tỷ lệ khách hàng trích nợ tự động đạt 20,96%.

Hỗ trợ 05 website cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa trên môi trường số, hỗ trợ cho 07 đề án ứng dụng công nghệ tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại áp dụng vào sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.005 triệu đồng. Tổ chức các sự kiện tuyên truyền triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QrCode cho các tiểu thương chợ Cốc Lếu, Sa Pa. Duy trì và vận hành nhóm 06 nhóm Zalo của các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực "Xúc tiến thương mại Lào Cai" và "Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cửa khẩu Kim Thành" để kết nối, đưa tin nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của các doanh nghiệp; hỗ trợ, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp tình hình thông quan tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành và cơ chế, chính sách quản lý cửa khẩu, hàng hóa của phía Trung Quốc; triển khai Cổng dịch vụ khai báo, chứng nhận xuất xứ hàng hóa (ecosys.gov.vn); Hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia (chemicaldata.gov.vn); Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và Hệ thống bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc và quốc gia.

Để có được những kết quả này, thời gian qua, tỉnh đã tích cực triển khai mạnh các giải pháp như thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy đưa hộ sản xuất nông nghiệp, HTX lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến.

Sau thảo luận, phiên họp đã diễn ra Lễ Ký kết Bản Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số.

anh tin bai

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số đã lan tỏa thông điệp và tầm quan trọng của kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với thông điệp “Kinh tế số là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng bền vững”, Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú huých góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung, thúc đẩy phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực trong những tháng cuối năm 2023 nói riêng.

Bộ trưởng đề nghị các ngành, địa phương tập trung thực hiện các nội dung, tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế số, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin; quan tâm xây dựng, kết nối dữ liệu dùng chung; phát triển các nền tảng số; kết nối hệ sinh thái trong chuyển đổi số, phát huy vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước, "làm đến tận cùng" khi thực hiện kinh tế số.

Lệ Hằng





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập