Nâng cao năng lực, tính chủ động của toàn xã hội trong phòng chống thiên tai năm 2025
Năm 2024 là năm tỉnh Lào Cai chịu thiệt hại nặng nề về người, tài sản do thiên tai gây ra. Theo dự báo trong năm 2025, thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường, cực đoan với tần suất và cường độ ngày càng gia tăng, nghiêm trọng hơn. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 29/4/2025 phòng, chống thiên tai năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Lào Cai chịu tác động của 19/22 loại hình thiên tai: Áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối,... Mặc dù nằm sâu trong đất liền, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng mỗi khi bão mạnh đổ bộ vào các tỉnh ven biển phía Bắc thì hoàn lưu của bão kết hợp với rãnh thấp thường gây mưa to đến rất to sinh ra lũ ống, lũ quét, trượt lở đất gây thiệt hại cả về người và tài sản trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang quản lý 50 trạm đo mưa tự động, 03 trạm thời tiết tổng hợp để dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai kết hợp với Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Lào Cai có 09 trạm quan trắc khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm quốc gia, 95 trạm đo tự động, 02 trạm ra đa thời tiết và các phần mềm dự báo, cảnh báo thời tiết, phần mềm phân tích, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất (luquetsatlo.nchmf) từ số liệu mưa và dự báo mưa vệ tinh; sản phẩm JMA- Nhật Bản; sản phẩm ECMWF-Châu Âu, Mỹ; các dữ liệu mưa từ các trạm đo mưa tự động; số liệu độ ẩm, khí áp,… từ các trạm khí tượng và 03 trạm thời tiết tổng hợp,…

anh tin bai

Biển cảnh báo sạt lở đất.

Qua rà soát, hiện trên địa bản tỉnh có 769 điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai; trong đó 168 điểm đã có biển cảnh báo và 601 điểm chưa có biển cảnh báo (ngầm tràn 71 điểm; sạt lở đất 222 điểm; lũ ống, lũ quét 113 điểm; ngập úng 107 điểm; sạt lở bờ sông, suối 36 điểm; sụt lún do mưa lũ hoặc dòng chảy 52 điểm). Do đó cần phải triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai tổng hợp để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.

Theo Kế hoạch, trong năm 2025 tỉnh Lào Cai sẽ triển khai thực hiện 07 nhiệm vụ và giải pháp phi công trình: (1) Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách; (2) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư; (3) Kiện toàn tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp; (4) Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; (5) Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; (6) Từng bước chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai; (7) Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế trong phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

anh tin bai

Tiếp tục hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại thiên tai theo quy định.

Đồng thời triển khai 06 nhiệm vụ và giải pháp công trình: (1) Về nhà ở: Thực hiện đồng bộ các chính sách về nhà ở; sửa chữa, làm mới nhà bị hư hỏng do cơn bão số 3 năm 2024; thực hiện các dự án sắp xếp, di chuyển dân cư ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm; (2) Về sản xuất nông nghiệp: phấn đấu 100% số xã trong kế hoạch về đích nông thôn mới năm 2025 hoàn thành chỉ tiêu 3.2 về phòng, chống thiên tai; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai để hạn chế thấp nhất thiệt hại; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại thiên tai đúng Nghị định số 09/2025/NĐ-CP ngày 10/01/2025 của Chính phủ; (3) Về cơ sở hạ tầng: Xây dựng, củng cố, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai; nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng do mưa lớn, lũ; đầu tư, khắc phục các vị trí đường giao thông gây cản trở thoát lũ; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, kết hợp đa mục tiêu các trụ sở cơ quan, công trình công cộng làm nơi tránh trú mưa, bão; (4) Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; (5) Tổ chức khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai; thống kê, tổng hợp, đánh giá kịp thời, đúng đối tượng, thiệt hại; vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường; (6) Huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, Chương trình mục tiêu quốc gia, vay ưu đãi nước ngoài, Quỹ phòng, chống thiên tai và xã hội hóa…

Theo phân cấp rủi ro thiên tai (cấp độ 1,2,3,4,5), tỉnh Lào Cai chịu tác động của cấp độ rủi ro thiên tai cao nhất là cấp độ 3. Để ứng phó thiên tai, trong năm 2025 tỉnh Lào Cai xây dựng phương án, kịch bản; huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm… Theo Kế hoạch, huy động lực lượng 17.335 người từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, tỉnh Công an tỉnh, các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp, các xã, phường, thị trấn và 158.118 phương tiện, trang thiết bị. Căn cứ tình hình thực tế và loại hình thiên tai, mức độ ảnh hưởng, kịch bản ứng phó, các biện pháp ứng phó; Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng cứu phù hợp, đồng thời đề nghị Trung ương hỗ trợ.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2025 là hơn 1.213 tỷ đồng từ Quỹ Phòng, chống thiên tai, ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương. Nguồn kinh phí khôi phục sản xuất, nâng cấp, tu bổ, sửa chữa các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai gây ra lồng ghép trong Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 10/12/2024 của UBND tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác./.

Theo CTTĐT tỉnh





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập