Lào Cai: Thực hiện quyết liệt các giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh
Trước tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong lứa tuổi học sinh trên địa bàn toàn quốc diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh gây hậu quả nghiêm trọng, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động toàn xã hội thấy được ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của công tác bảo đảm TTATGT trong lứa tuổi học sinh. Mỗi cán bộ, đảng viên, công dân nói chung phải gương mẫu trong thực hiện pháp luật về TTATGT và văn hóa giao thông. Thực hiện mạnh mẽ, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho lứa tuổi học sinh và các bậc phụ huynh; vận động đến từng gia đình không giao phương tiện giao thông cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển (chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe theo quy định).

Tăng tần suất, số lượng tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT, những câu chuyện (clip, thước phim…) truyền cảm hứng về việc làm tốt, hành động đẹp thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông; nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố đối với lứa tuổi học sinh bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, đối tượng, lứa tuổi; rà soát các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về TTATGT cho học sinh trong các cấp học, nhà trường...

Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hay trong công tác bảo đảm TTATGT tại các trường học trên địa bàn, nhất là triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông ”, “Xếp hàng đón con”; xây dựng các bộ quy tắc, văn hóa giao thông văn minh…

Tăng cường quản lý học sinh trong việc thực hiện chấp hành pháp luật về TTATGT

Thực hiện tốt sự phối hợp giữa “Gia đình - Nhà trường - Xã hội” và các lực lượng chức năng trong việc quản lý, giáo dục học sinh thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm TTATGT; phát huy vai trò nêu gương, sát sao của cha mẹ học sinh trong công tác giáo dục an toàn giao thông cho con em mình. Quản lý chặt chẽ học sinh trong các giờ học, buổi học. Quán triệt việc duy trì nền nếp trong học sinh ở những buổi học sát với ngày nghỉ lễ, những ngày cuối năm học; nghiêm cấm tình trạng học sinh tụ tập ăn uống, rượu bia trong ngày lễ, ngày tổng kết năm học...

anh tin bai

Quản lý, giáo dục học sinh thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm TTATGT.

Các đơn vị, trường học tiếp nhận thông tin vi phạm TTATGT của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và đơn vị, cá nhân hợp đồng đưa đón trẻ em, học sinh, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm và kết hợp các biện pháp giáo dục phù hợp. Đưa nội dung bảo đảm TTATGT vào đánh giá kết quả rèn luyện, bình xét thi đua, khen thưởng đối với học sinh, lớp học, cán bộ, giáo viên, nhân viên, cơ sở giáo dục.

Thường xuyên phối hợp với các nhà trường kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh. Có hình thức quản lý, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh trong các cơ quan, đơn vị, trường học vi phạm pháp luật về TTATGT.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với không gian mạng, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các thông tin tác động tiêu cực đến lứa tuổi học sinh, thông tin thiếu chuẩn mực, cổ xúy cho các hành vi vi phạm như đua xe, lạng lách, đánh võng; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Người đứng đầu chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm TTATGT nói chung và TTATGT cho lứa tuổi học sinh nói riêng trên địa bàn phụ trách. Xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng, pháp luật, ngành, địa phương đối với tập thể cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và người đứng đầu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn.

Tăng cường nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh

Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động giáo dục an toàn giao thông phù hợp với từng cấp học. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô buýt chuyên dụng gắn với đề xuất cơ chế hỗ trợ các nhà trường tổ chức phương tiện đưa đón học sinh an toàn.

Rà soát tổ chức giao thông tại các khu vực trường học, tổ chức lại các điểm bất hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, nhất là các trường hợp ngay sát các quốc lộ, tuyến đường nhiều phương tiện đi lại vào các khung thời gian học sinh đến trường, tan học; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực trường học theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Khẩn trương khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến đường có trường học theo phân cấp quản lý.

Điều tra, xử lý kịp thời các vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh theo quy định của pháp luật; củng cố hồ sơ xử lý nghiêm các hành vi giao xe hoặc để xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây tai nạn; xác định cụ thể các nguyên nhân gây tai nạn và kiến nghị giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

Ưu tiên bố trí kinh phí bảo đảm TTATGT theo hướng tập trung đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông của các lực lượng chức năng…

Giai đoạn từ năm 2020 - 2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh (từ 6 - 18 tuổi), làm chết 28 người, bị thương 31 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội.






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập